Việc thực thi NQ 35/NQ-CP sau một năm đã đạt được nhiều cải thiện rõ rệt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành bán lẻ Việt đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực tăng cao. Cạnh tranh khiến các nhà bán lẻ Việt bộc lộ nhiều điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản trị, công nghệ…
Do đó, HH các nhà bán lẻ VN đề xuất: Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện chiến lược ngành bán lẻ trong chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035. Bổ sung ngành bán lẻ (bao gồm tất cả các loại hình bán lẻ ngoại trừ bán lẻ trực tuyến) vào lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư với tư cách là một ngành nghề độc lập, không phải ngành nghề nằm trong nhóm cơ sở hạ tầng như hiện nay.
Bên cạnh đó, tăng cường chính sách hỗ trợ, quy hoạch phát triển thích hợp các nội dung có thể giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các ngành bán lẻ, cải thiện nguồn hàng, hỗ trợ tài chính liên quan đến các chi phí về mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn giá hợp lý và các vấn đề thuế phí… Hỗ trợ phát triển và nghiên cứu các mô hình bán lẻ hiện đại, chuyển giao kĩ thuật và công nghệ bán lẻ tiên tiến. Hỗ trợ phát triển các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, nghiên cứu thị trường bán lẻ.
Trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, giải pháp chính sách cho vấn đề này là tập trung vào các khía cạnh liên quan tới quy định pháp luật về mở cửa thị trường; cam kết đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho người bán lẻ nội địa. Qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực của các nhà bán lẻ nội địa trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam
Theo DĐDN