Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Hàng Thái chiếm chỗ hàng Việt?


Hai chuỗi siêu thị lớn của doanh nghiệp nước ngoài ở VN đều rơi vào tay người Thái. Nhiều người lo ngại sau sự đổi chủ này, hàng Thái sẽ chiếm chỗ hàng Việt…
Hàng Việt sẽ đi đâu khi DN Thái Lan sở hữu kênh siêu thị?
Điều thú vị từ những mặt hàng Thái Lan đang tràn vào Việt Nam
Việc rút lui của Metro Cash & Carry hay Big C VN không làm số nhà bán lẻ trên thị trường VN giảm đi mà chỉ xuất hiện thêm gương mặt mới, tạo ra một cuộc thay đổi thứ bậc và trật tự lớn nhất trong thị trường.
Vẽ lại thị trường 
bán lẻ VN
Hơn một tuần trước, báo chí nước ngoài đã đưa tin Central Group chi 10 triệu USD mỗi thị trường để mua website thương mại điện tử chuyên về kinh doanh thời trang Zalora ở Thái Lan và VN. Thương vụ được xem giúp Central Group mở đường “mạng”, cạnh tranh với các đại gia bán lẻ trực tuyến khác trong khu vực.
Thật ra, Central Group được người VN biết đến với thương vụ mua lại 49% cổ phần chuỗi điện máy Nguyễn Kim hồi tháng 1-2015 và cũng là người sở hữu chuỗi cửa hàng đồng giá Komonoya (Nhật Bản) đang được triển khai mạnh mẽ tại VN.

Giới trong nghề cũng đều biết Central Group đang sở hữu cổ phần của Big C Supercenter Pcl ở Thái Lan. Vì vậy với việc mua lại Big C tại VN gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn, Central Group đã vẽ lại bản đồ thị trường bán lẻ VN.

Theo số liệu cuối năm 2015 của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường bán lẻ VN chủ yếu đang chịu sự chi phối bởi ba nhà bán lẻ lớn là Saigon Co.op, Big C và Metro Cash & Carry.
Trong đó doanh thu của Saigon Co.op xấp xỉ doanh thu của Big C và Metro cộng lại. Năm 2015, doanh số của hệ thống Saigon Co.op đạt hơn 26.800 tỉ đồng (xấp xỉ 1,2 tỉ USD) với mức tăng trưởng hai con số. Tháng 1-2016, Tập đoàn TCC của Thái Lan hoàn tất mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro Cash & Carry VN và các bất động sản liên quan với giá 655 triệu euro. Như vậy cùng với thương vụ mua Big C VN của Central Group, hai đại gia Thái Lan gần như nắm hơn 50% thị phần bán lẻ VN.

Các chuyên gia bán lẻ cho rằng cục diện bán lẻ tại VN đang thay đổi với lợi thế phần nào nghiêng về hàng Thái. Theo ông Trần Anh Tuấn - giám đốc Công ty tư vấn Pathfinder, các tập đoàn bán lẻ Thái đang tấn công thị trường VN một cách bài bản và có chiến lược.

Với hơn 50 siêu thị trong tay, người Thái dễ dàng giành thế chủ động tại thị trường bán lẻ VN. Với kịch bản thị phần 50-50, cơ hội cho hàng Thái lẫn hàng VN là tương đương nhau dù đang ở ngay trên sân nhà VN, nhưng xét về tính cạnh tranh, những nhà cung cấp VN rõ ràng đang bị lép vế.

Ông Vũ Vĩnh Phú, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Hà Nội, lo ngại với những gì đang diễn ra tại thị trường VN khi cả Big C và Metro đều thuộc về tay người Thái, rõ ràng doanh nghiệp VN đang bị yếu thế cả về vốn lẫn kinh nghiệm quản trị. Cuộc đấu của một bên là các doanh nghiệp bán lẻ thuộc Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và phần còn lại chủ yếu là Saigon Co.op, Vingroup (hệ thống Vinmart)... sẽ là thách thức cho hàng VN.
Hàng hóa Thái Lan được bán tại siêu thị Metro An Phú, Q.2, TP.HCM trưa 1-5 - Ảnh: Quang Định

Hàng Việt 
sẽ khó vào siêu thị?

Theo các chuyên gia, ngành bán lẻ có đặc thù “bỏ bạc tỉ nhưng lượm bạc cắc” nên các khoản đầu tư trong thị trường này đều mang tính dài hạn. Sự gia tăng số lượng cửa hàng, siêu thị, điểm bán có thể quyết định đến tâm thế thương lượng giá với nhà cung cấp, tối ưu hóa hệ thống kho bãi, hậu cần...

“Sẽ không ai nghĩ việc bỏ ra hàng tỉ USD chỉ hòng kiếm lợi nhuận từ thị trường bán lẻ, mà là chiến lược đưa hàng hóa vào thị trường VN. Các nhà bán lẻ nước ngoài không đơn thuần mạnh về hệ thống phân phối, họ còn là những nhà sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng ngành nghề phía sau. Cái họ quan tâm hơn là đưa hàng hóa của mình vào thị trường VN” - ông Tuấn lưu ý.

Và hiện nay ngay trên sân nhà, hàng VN đang phải cạnh tranh “mướt mồ hôi” với hàng hóa của Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, một số doanh nghiệp Thái đã nắm trọn từ sản xuất đến phân phối hàng hóa nên dễ dàng chi phối thị trường.

Chính vì vậy không phải đợi đến khi Central Group mua Big C thì nỗi lo hàng Thái tràn vào VN mới thật sự rõ ràng. Hàng Thái đã âm thầm vào chợ truyền thống VN cách đây hàng chục năm trước và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn từ mỹ phẩm, nhựa gia dụng đến quần áo, túi xách... với giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt cùng loại 10-20%, nhưng rẻ hơn nhiều so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu.

Ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc doanh nghiệp Đức Thanh - một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng gói, thừa nhận nếu người Thái chi phối hệ thống phân phối thì hàng VN sẽ bội phần khó khăn. Xét về quy mô sản xuất, doanh nghiệp VN không thể cạnh tranh được với hàng Thái, về chất lượng sản phẩm cũng thế.

Ở phân khúc bình dân và trung cấp, hàng Thái đang có những lợi thế về mọi mặt. “Điểm yếu nhất của hàng VN chính là bao bì sản phẩm. Ngành công nghiệp bao bì Thái Lan đi trước VN nhiều năm, họ tích lũy được công nghệ giảm chi phí, hàng hóa cũng khá phong phú và có nhiều nét tương đồng khẩu vị VN” - ông Đức nhận xét.

Theo một chuyên gia bán lẻ, hệ thống siêu thị giữ vai trò trung gian và đóng vai trò kết nối cực kỳ quan trọng quyết định đến sự phát triển của hai đầu sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy toàn bộ quá trình sản xuất. Các nhà bán lẻ dù đi đâu cũng luôn có những nhà cung cấp “mối ruột”, đó là tâm lý, nguyên tắc kinh doanh hết sức bình thường và đảm bảo một phần tính nhận diện, chất lượng phục vụ.

Và thực tế khi Metro được chuyển giao cho TCC, người ta đã thấy những thương hiệu Thái trên kệ của siêu thị này, điều đó đồng nghĩa cơ hội cho hàng Việt trở nên ít hơn. Sự lép vế của bán lẻ VN về lâu dài còn làm mất cơ hội bán hàng của nhà sản xuất trong nước cũng như cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng.



Sẽ có nhiều khó khăn

Ông Ngô Chung Khanh, vụ phó Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương), cho biết trước sự đổ bộ của nhà bán lẻ ngoại gần đây, Bộ Công thương chịu nhiều áp lực từ dư luận vì bị cho rằng cơ quan quản lý mở cửa quá nhanh đối với thị trường này. Các doanh nghiệp VN sẽ bị thiệt hại như thế nào nếu bán lẻ ngoại nắm giữ thị phần chi phối ở thị trường VN?

Theo ông Khanh, thực tế trước khi đi đàm phán, đoàn đàm phán TPP có làm việc với đại diện Hiệp hội Bán lẻ VN cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ trong nước về lộ trình mở cửa thì đều nhận được câu trả lời chung là “càng dài càng tốt”.

“Ngành bán lẻ VN sẽ chịu thêm nhiều thách thức sau TPP. Trong quá trình đàm phán, dù phía Hoa Kỳ muốn VN bỏ ngay điều kiện kiểm tra về nhu cầu kinh tế khi mở cửa (ENT) khi hiệp định có hiệu lực, nhưng cuối cùng chúng ta cũng có 5 năm chuẩn bị” - ông Khanh nói thêm.

Thực tế thị trường bán lẻ VN đã mở cửa từ nhiều năm trước và đến nay các doanh nghiệp nước ngoài mới thật sự vào VN. Hiện tại dù chưa có TPP, công cụ ENT vốn được cho phép trong WTO cũng không được VN sử dụng hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc VCCI, nhiều địa phương vì muốn thu hút vốn FDI đã xé rào, bỏ qua công cụ này nên thời gian tới khi ENT không còn nữa thì doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng không thể than vãn gì hơn. Thay vì kêu ca, doanh nghiệp VN cần tìm cách đứng trên đôi chân của mình.