Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Cửa hàng tạp hóa dạng vừa vẫn sẽ phát triển

Số liệu 10 năm qua cho thấy, mô hình cửa hàng tạp hóa dạng vừa (quy mô trên 100 mét vuông, có biển hiệu) luôn hoạt động tốt và vẫn sẽ tiếp tục sống “phây phây” trong 10 năm tới.



Cửa hàng tiện lợi được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng tạp hóa nhỏ và vừa. Vậy nhưng, cả hai sẽ cùng tăng trưởng, không ai “chết” như có người lo ngại. Ảnh: Minh Tâm

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam tại buổi nói chuyện ở Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) diễn ra hôm nay, 13-7 chia sẻ, số liệu ghi nhận trong 10 năm qua từ nghiên cứu của Kantar Worldpanel cho thấy tại thành thị, cửa hàng đường phố, bao gồm tạp hóa nhỏ (quy mô dưới 50 mét vuông và người bán ở luôn tại đây) và tạp hóa vừa (trên 100 mét vuông) hoạt động rất tốt, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi kênh mua sắm hiện đại.

Trong khi đó, mô hình chợ truyền thống bị ảnh hưởng nhiều nhất, giảm từ 14% xuống 10%; mô hình đại siêu thị, siêu thị tăng thêm 3 điểm phần trăm trong 10 năm, lên mức 12,8%.

Kênh trực tuyến dù phát triển rầm rộ nhưng cũng chỉ mới chiếm 0,4% giá trị. Và điều lý thú là 43% hàng hóa trong số 0,4% này được bán ra qua các tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân (không phải của các công ty đã có tài khoản mạng xã hội); 57% còn lại mới qua các trang thương mại điện tử chính thống.

Và nếu tính chung cả nông thôn và thành thị thì kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 90% giá trị hàng hóa, trong đó mô hình cửa hàng tạp hóa dạng vừa là chủ lực.

Vậy tại sao cửa hàng tạp hóa dạng vừa lại có thể sống tốt như thế?

Theo ông Hoàng, đó là vì nhiều yếu tố.

Thứ nhất là các chủ cửa hàng này rất thông minh, nhanh nhạy, luôn biết cách thay đổi để phù hợp với người tiêu dùng. Một trong những biểu hiện của điều này là sắp xếp hàng hóa ngày càng khoa học, đẹp mắt.

Thứ hai, quan trọng hơn là họ lấy được nguồn hàng có giá tốt (nhờ doanh số tốt) nên giá bán rất cạnh tranh, bao giờ cũng rẻ hơn từ 10% đến 20% so với siêu thị.

Thứ ba là quan hệ với người mua rất tốt, từ tư vấn bán hàng đến phục vụ nhanh chóng.

Cũng nhờ những yếu tố này mà trong 10 năm tới, mô hình cửa hàng tạp hóa dạng vừa chắc chắn sẽ vẫn sống tốt. “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng điều này. Họ sẽ tăng thị phần từ 33% lên 39% vào năm 2025”, ông Hoàng nói. Ngược lại, cửa hàng tạp hóa nhỏ sẽ giảm còn 21%.

Tương tự, mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng. Con số cụ thể sẽ là 4 lần, từ 2,1% (2016) lên 8% vào năm 2025. Sở dĩ như vậy vì quá trình đô thị hóa, chung cư, khu đô thị mọc lên nhiều, kích cỡ gia đình Việt Nam dần nhỏ đi (chỉ từ 4 người và đang giảm dần); số lượng người phụ nữ đi làm ngày càng nhiều nên bận rộn, chọn sự tiện lợi; cung cấp các dịch vụ khác nhau như rút tiền, đóng tiền điện nước…

Nhưng sự tăng trưởng còn đến từ việc rất nhiều đại gia nhắm vào mảng này. Mới nhất, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự gia nhập của 7-Eleven.

“7-Eleven thành công ở Thái Lan nhưng cũng đã thất bại ở Indonesia (đóng cửa toàn bộ các cửa hàng ở nước này từ cuối tháng 6 – PV). Còn ở Việt Nam thì phải chờ 2-3 năm tới sẽ có câu trả lời chính xác. Họ phải có 100 cửa hàng mới có thể nói được như thế nào”, ông Hoàng nhận định.

Cũng theo đại diện của Kantar Worldpanel Việt Nam, mô hình cửa hàng tiện lợi có rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp rất nhiều thách thức ở Việt Nam.

Chẳng hạn như để có được những vị trí đắc địa thì phải trả phí thuê mặt bằng rất cao. Thêm vào đó, phải có lượng cửa hàng nhất định (khoảng 500) mới đạt đến điểm hòa vốn. Đó là lý do không ít “ông lớn” hiện tại có được 100-200 cửa hàng nhưng vẫn đang rất chật vật.

Lượng hàng hóa phải đa dạng phong phú để bày biện.

Đó là chưa kể việc mô hình có tiện lợi nhưng giá bán lại cao, thường hơn tiệm tạp hóa 40-50%.

Theo TBKTSG Online