Với nhiều ưu điểm như hàng hóa đa dạng, nguồn gốc, niêm yết giá rõ ràng, thời gian mở cửa 24/24, … các cửa hàng tiện lợi đang dần được người tiêu dùng ưa lựa chọn. Khi mở cửa hàng tiện lợi, ngoài vốn và nguồn hàng thì địa điểm là vấn đề then chốt đáng quan tâm. Có được vị trí đắc địa sẽ thu hút và xây dựng lượng khách hàng thân thiết. Đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây khi chọn địa điểm mở cửa hàng tiện lợi.
1. Khảo sát thị trường và đối thủ cạnh tranh
Khảo sát thị trường, nắm bắt tình hình kinh tế khu vực bạn mở cửa hàng để biết được việc kinh doanh tại đây có khả thi không. Bạn nên tìm hiểu thêm vài khu vực khác có mức sống dân cư tốt để lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp nhất.
Trong việc lựa chọn địa điểm kinh doanh, bạn cũng cần lưu ý tới những đối thủ cạnh tranh. Nếu ở khu vực bạn muốn mở đã có nhiều cửa hàng tạp hóa hay các cửa hàng tiện lợi, hãy xem xét lại việc có nên mở ở đó không. Ngoài ra, hãy tham khảo giá cả hàng hóa mà đối thủ của bạn đang bán, để xây dựng mức giá tối ưu với của cửa hàng của bạn.
2. Tránh xa chợ truyền thống và siêu thị
Thói quen mua sắm của người dân Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào chợ truyền thống. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một bộ phận dân cư sống ở các khu chung cư đông đúc, vốn ở xa các siêu thị lớn và không muốn đi chợ truyền thống. Đây chính là thị trường ngách để bạn tận dụng nơi mở cửa hàng tiện lợi.
Mô hình cửa hàng tiện lợi có thể khắc phục được những điểm yếu của chợ truyền thống và siêu thị. Bởi hàng hoá không chỉ chất lượng tốt, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, trưng bày thu hút, dễ tìm mà còn phục vụ liên tục 24/24h.
3. Tập trung vào khu có nhiều người trẻ sinh sống
Cuộc sống của những người trẻ ngày nay khá bận rộn. Thế nên, họ thường không có thời gian dậy sớm đi chợ truyền thống hay la cà lâu trong các siêu thị lớn. Khách hàng phần lớn là sinh viên, dân công sở tiện đường ghé mua chai nước, hộp bánh, bút, khăn giấy, … Họ chỉ cần mua một vài mặt hàng thiết yếu một cách nhanh chóng nên cửa hàng tiện lợi sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Vì vậy, khi mở cửa hàng tiện lợi bạn nên tìm vị trí nằm xen kẽ ở các khu dân cư trẻ hoặc các khu nhiều dân văn phòng, trường học, rạp chiếu phim, phố đi bộ, … Đây là những nơi mà người trẻ thường xuyên lui tới và phát sinh nhu cầu mua mang tính tức thời.
4. Diện tích cửa hàng không cần quá lớn
Địa điểm mở cửa hàng tiện lợi của bạn không cần diện tích phải quá lớn, chỉ cần khoảng 4x15m là có thể đáp ứng được nhu cầu trưng bày hàng hóa. Bởi chúng giống như mô hình siêu thị thu nhỏ. Hơn nữa, khi lựa chọn cửa hàng tiện lợi, khách hàng chỉ mua một số mặt hàng cơ bản và muốn mua thật nhanh để không mất thời gian. Hãy giúp khách hàng của bạn tiết kiệm thời gian đi lòng vòng để tìm sản phẩm mà họ cần bằng cách bài trí thật bắt mắt, dễ tìm.
5. Khả năng tiếp cận và khu vực để xe
Khách hàng mua đồ tại cửa hàng tiện lợi thường muốn càng nhanh càng tốt, đỡ mất thời gian vào siêu thị hay đi chợ truyền thống. Mặt bằng kinh doanh cần ở khu vực tiện lợi dễ quan sát, dễ dừng xe và dắt xe lên xuống. Ngoài cư dân vùng lân cận, có không ít là khách tiện đường ghé qua nên mặt tiền không tiện lợi khiến người mua hàng ngại vào hoặc không yên tâm khi mua hàng.