Diện tích bán lẻ bình quân trên đầu người tại Hà Nội, TP HCM cũng chỉ bằng một một phần bảy những thành phố như Bangkok, Singapore, Bắc Kinh…
Báo cáo về thị trường bán lẻ của Savills Việt Nam vừa công bố cho hay, so với những thành phố lớn trong khu vực, mật độ bán lẻ ở Hà Nội, TP HCM rất thấp, đạt lần lượt 0,17 và 0,13 m2 trên bình quân đầu người. Tỷ lệ này tại Bangkok, Singapore, Bắc Kinh cao gấp 5-7 lần. So với Kuala Lumpur, Jakarta, mật độ tại 2 thành phố lớn của Việt Nam cũng chỉ bằng khoảng một phần ba.
Nghiên cứu của Savills cũng cho hay, tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam cứ 54.400 người thì có một cửa hàng tiện lợi. Tỷ lệ này vẫn giữ khoảng cách quá xa so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Hàn Quốc là 2.100 người, Nhật Bản 2.300 người, Đài Loan 2.400 người, Hong Kong là 5.300 người có một cửa hàng tiện lợi… Tại Trung Quốc, mật độ trung bình cũng cứ 24.900 người có một cửa hàng tiện lợi, con số bằng một nửa so với Việt Nam.
Cũng theo Savills Việt Nam, hàng hóa giá cao hoặc thiếu đa dạng ảnh hưởng tới hoạt động du lịch mua sắm của du khách khi tới Việt Nam. Số liệu của Mastercard công bố năm 2017 cho thấy, khách du lịch tới TP HCM chi tiêu cho mua sắm khoảng 3,5 tỷ USD. Trong khi ở những thành phố khác trong khu vực như Singapore con số này là 15,4 tỷ USD, Bangkok 12,7 tỷ USD, Tokyo 11,1 tỷ USD và Đài Bắc xấp xỉ 10 tỷ USD… So với những thành phố như Seoul, Bali, Phuket, Kuala Lampur, Sydney, Hong Kong con số này cũng chỉ bằng 30-50%. Trong khi đó, Savills cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế thậm chí cao gấp 3 lần các quốc gia nói trên.
Theo của Savills, TP HCM có tốc độ phát triển mạnh hình thức bán lẻ hiện đại hơn so với Hà Nội mặc dù có mức giá thuê cao hơn. Đơn vị nghiên cứu cho biết, giá thuê trung bình tại TP HCM vào khoảng 53 USD mỗi tháng, trong khi đó ở Hà Nội chỉ vào khoảng 35 USD. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích sàn thương mại còn trống tại TP HCM hiện chỉ còn 6%, trong khi ở thủ đô là 15%.
Đơn vị nghiên cứu cũng cho hay, toàn cầu hóa và làn sóng ngoại nhập khiến thị trường ngày càng đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể, ví dụ năm 2007, thị trường có 4 thương hiệu quốc tế thì đến năm 2016, con số này tại Việt Nam là 149.
Nguồn Vnexpress